Việc sai lầm khi thiết lập mục tiêu kinh doanh đã trở nên cực kỳ phổ biến với những ai mới bắt đầu khởi nghiệp. Bạn thường vạch ra con số doanh thu đáng mơ ước. Nhưng khi đạt được rồi, tính toán các chi phí, bạn lại thấy mình chẳng lời lãi được bao nhiêu, thậm chí là lỗ.
Nếu như tập trung vào lợi nhuận, bạn sẽ đạt được số tiền mong muốn và kiểm soát chi phí tốt hơn. Tất nhiên, ý Phương không phải là vì lợi nhuận bất chấp tất cả, mà bạn phải cung cấp sản phẩm/dịch vụ chất lượng. Bên cạnh đó, bạn cần xây dựng mục tiêu cụ thể và tính toán chi phí cẩn thận.
Trong bài viết này, Phương sẽ trình bày cho bạn 3 bước thiết lập mục tiêu kinh doanh hiệu quả. Bài viết mang tính chất tham khảo. Tuỳ theo mô hình và ngành nghề kinh doanh để có sự điều chỉnh phù hợp.
1.Bước 1: Thiết lập mục tiêu kinh doanh theo mô hình SMART
Mô hình SMART giúp bạn đề ra được mục tiêu một cách thông minh, hiệu quả. Nhờ đó, bạn có thể làm rõ ý tưởng của mình, sử dụng nguồn lực và thời gian hợp lý để gia tăng cơ hội thành công hơn.
Nguyên tắc SMART áp dụng trong kinh doanh online sẽ gồm có 5 yếu tố chính:
S = Specific: Đơn giản, hợp lý, cụ thể
Mục tiêu của bạn càng rõ ràng và cụ thể, thì bạn càng hiểu rõ mình nên làm gì để đạt được mục tiêu đó.
VD: Đạt lợi nhuận 30.000.000 VNĐ mỗi tháng nhờ việc kinh doanh đồ gia dụng thông minh.
M = Measurable: Đo lường được
Mục tiêu cần được đo đường bằng con số cụ thể. Nhờ đó, bạn có thể theo dõi tiến trình hoạt động kinh doanh và duy trì động lực.
VD: Khi kinh doanh đồ gia dụng online, để đạt lợi nhuận 30.000.000 VNĐ/tháng. Tương ứng với đó, doanh thu cần đạt là 120.000.000 VNĐ/tháng (lợi nhuận = 20% doanh thu).Giá trị trung bình cho 1 đơn hàng là 300.000 VNĐ. Vậy bạn cần đạt 400 đơn hàng/tháng và 13 đơn/ngày.
Tính đo lường được là cách đơn giản nhất để bạn biết mình cần làm gì, thực hiện công việc như thế nào để đạt được mục tiêu theo các mốc thời gian đã đề ra.
A = Achievable: Tính thực tế, có thể đạt được
Khi thiết lập mục tiêu kinh doanh, bạn cần xem xét đến yếu tố thực tế. Nó có thể đạt được hay không?
Việc đưa ra mục tiêu quá cao, ngoài tầm với sẽ khiến bạn dễ nản nếu không đạt. Ngược lại, mục tiêu quá thấp lại không đủ giúp bạn bứt phá và thành công.
VD: Bạn thử đánh giá xem việc đặt mục tiêu bán được 400 sản phẩm đồ gia dụng trong 1 tháng có khả thi không? Dựa trên kinh nghiệm của bạn và các yếu tố khác liên quan đến sản phẩm, thị trường… Hiện tại bạn có đủ nguồn lực để thực hiện không?…
R = Relevant: Tính liên quan
Mục tiêu bạn đặt ra cần có tính liên quan đến những giá trị lâu dài bạn muốn đạt được, phù hợp với các mục tiêu khác đang được thực hiện.
VD: Mục tiêu đạt lợi nhuận 30.000.000 VNĐ/tháng sẽ giúp tăng doanh thu và phát triển công việc kinh doanh online đi lên. Trong tương lai, bạn có thể mở rộng quy mô và tuyển dụng nhân sự làm việc cho mình.
T = Time-Bound: Thời hạn đạt được mục tiêu
Mọi mục tiêu khi đặt ra đều cần có kế hoạch, thời gian thực hiện và thời hạn để hoàn thành. Điều này thúc đẩy bạn có động lực đạt hoặc thậm chí vượt mục tiêu.
VD: Bạn cần 30 ngày để đạt mục tiêu lợi nhuận 30.000.000 VNĐ.
Dưới đây là bảng đặt mục tiêu kinh doanh online mà Phương đã lập ra để các bạn tham khảo. Trong đó, mục tiêu đầu tiên Phương hướng tới là lợi nhuận, rồi tính ngược trở lại doanh thu và số đơn hàng cần đạt được.
Mục tiêu | Tháng | Ngày |
Lợi nhuận bỏ túi (25% doanh thu) | 30.000.000 | 1.000.000 |
Doanh thu | 120.000.000 | 4.000.000 |
Giá trị trung bình đơn | 300.000 | 300.000 |
Số đơn hàng | 400 | 13 |
Giả định:
- Lợi nhuận = 30.000.000 VNĐ/tháng.
- Lợi nhuận = 20% Doanh thu (Đây là con số hợp lý khi mới bắt đầu kinh doanh online).
- Doanh thu = Lợi nhuận/20% = 120.000.000 VNĐ.
- Giá trị trung bình đơn = 300.000 VNĐ (trong trường hợp bạn kinh doanh nhiều sản phẩm, hãy tính số trung bình).
- Số đơn trung bình mỗi tháng cần đạt = Doanh thu/Giá trị trung bình đơn = 400 đơn.
Đối với mục tiêu theo ngày, bạn chia các mục tiêu trên cho số ngày trong tháng là được.
2. Bước 2: Cách tính toán chi phí
Sau khi xác định được mục tiêu lợi nhuận và doanh thu mong muốn, bước tiếp theo bạn cần làm là tính toán chi phí sao cho hợp lý. Đây là bước quan trọng khi học kinh doanh online cho người mới bắt đầu. Có 2 loại chi phí bạn cần quan tâm, đó là: chi phí cố định và chi phí biến đổi.
2.1. Chi phí cố định
Đây là các khoản chi phí không thay đổi, tùy thuộc vào quy mô hoặc mức doanh số. Chi phí cố định trong kinh doanh online bao gồm:
- Thuê văn phòng (hoặc tiền thuê nhà, nếu bạn kinh doanh online ngay tại nhà đang thuê thì cũng cần tính chi phí này);
- Tiền điện + nước + mạng;
- Tiền lương: lương trả cho bạn và những người làm cùng;
- Chi phí sinh hoạt hàng tháng. Khi bạn kinh doanh online 1 mình, thì chi phí sinh hoạt cũng chính là 1 phần chi phí cố định;
- Phần mềm: các phần mềm bán hàng, phần mềm marketing…
- Lãi vay (nếu có);
- Chi phí khác phát sinh.
Sau đây là bảng tính chi phí cố định mà Phương lập ra làm ví dụ cho các bạn tham khảo.
Chi phí cố định | Chi phí |
Tiền nhà | 3.200.000 |
Tiền điện + nước + mạng | 800.000 |
Tiền trả lương | 7.000.000 |
Chi phí sinh hoạt | 3.000.000 |
Phần mềm (nếu có) | 500.000 |
Lãi vay (nếu có) | 0 |
Khác (phát sinh) | 1.500.000 |
Tổng chi phí cố định | 16.000.000 |
2.2. Chi phí biến đổi
Chi phí biến đổi là loại chi phí có xu hướng thay đổi theo quy mô sản lượng và tỷ lệ sản xuất. Đối với việc kinh doanh online, khi lượng đơn hàng và doanh thu tăng lên thì chi phí biến đổi cũng tăng theo. Ngược lại, doanh thu giảm thì chi phí biến đổi cũng giảm.
Bạn cần liệt kê và tính toán các loại chi phí biến đổi sau:
- Chi phí nhập hàng;
- Đóng gói hàng hoá;
- Marketing, quảng cáo trên các kênh kinh doanh online.
Ví dụ thực tế các loại chi phí cho 1 đơn hàng:
- Giá bán trung bình đơn: 300.000 VNĐ;
- Lợi nhuận bạn mong muốn 25% doanh thu = 300.000 x 25% = 75.000 VNĐ;
- Giá nhập của sản phẩm: 100.000 VNĐ;
- Phí vận chuyển trung bình: 25.000 VNĐ/đơn;
- Chi phí đóng gói hàng hoá (túi/hộp đóng hàng, băng dính, giấy in đơn…): 5.000 VNĐ;
- Chi phí khác phát sinh: 5.000 VNĐ.
Từ đây bạn có thể tính được CHI PHÍ MARKETING cho 1 đơn:
Chi phí Marketing = Giá TB đơn – Lợi nhuận mong muốn – Giá nhập – Phí ship – CP đóng gói – CP cố định/đơn – CP phát sinh = 50.000 VNĐ.
Các loại chi phí | Chi phí |
Giá bán trung bình đơn | 300.000 |
Lợi nhuận mong muốn (25% doanh thu) | 75.000 |
Giá vốn | 100.000 |
Giá vận chuyển | 25.000 |
Đóng gói hàng hoá | 5.000 |
Chi phí cố định | 16.000.000 |
Chi phí cố định/đơn | 40.000 |
Chi phí khác (5%) | 5.000 |
Chi phí bán hàng (chi phí marketing/đơn) | 50.000 |
3. Bước 3: Cách thiết lập mục tiêu kinh doanh chi tiết & hoàn chỉnh
Từ 2 phần trên, bạn sẽ tính được bảng mục tiêu kinh doanh một cách hoàn chỉnh và chi tiết theo tháng, ngày. Trong đó:
- Tổng chi phí marketing = CP Marketing/đơn x Số lượng đơn;
- Vốn nhập hàng = Giá nhập 1 sản phẩm x Số lượng đơn;
- Chi phí vận chuyển = Phí vận chuyển TB đơn x Số lượng đơn;
- Chi phí đóng gói = Phí đóng gói 1 đơn x Số lượng đơn.
Từng con số này bạn chia cho số ngày trong tháng thì sẽ ra mục tiêu theo ngày.
Mục tiêu | Tháng | Ngày |
Lợi nhuận bỏ túi (25% doanh thu) | 30.000.000 | 1.000.000 |
Doanh thu | 120.000.000 | 4.000.000 |
Giá trị trung bình đơn | 300.000 | 300.000 |
Số đơn hàng | 400 | 13 |
Chi phí marketing | 20.000.000 | 666.667 |
Vốn nhập hàng | 40.000.000 | 1.333.333 |
Phí vận chuyển | 10.000.000 | 333.333 |
Chi phí cố định | 16.000.000 | 533.333 |
Đóng gói hàng hoá | 2.000.000 | 66.667 |
Sau khi tính toán xong mục tiêu mình cần đạt được, việc của bạn là lập một bảng cáo chi tiết theo thời gian thực (realtime) để theo dõi Doanh thu, lợi nhuận và kiểm soát các khoản chi phí.
Mỗi ngày, Phương dành ra từ 3-5 lần điền báo cáo để nắm bắt tình hình kinh doanh sát nhất có thể. Đồng thời, công việc này cũng giúp Phương phát hiện sự cố, vấn đề… để khắc phục kịp thời.
4. Lời kết
Đặt mục tiêu lợi nhuận rồi tính toán ngược lại về doanh thu, chi phí là cách thức đơn giản và hiệu quả để bạn kiểm soát chi phí. Thêm nữa, bằng cách này, bạn có thể kinh doanh online không cần vốn mà vẫn đạt được thành công lớn.
Trên đây là hướng dẫn chi tiết của Phương về cách thiết lập mục tiêu kinh doanh. Phương pháp này khá cơ bản và dễ làm, dễ áp dụng. Bạn có thể sử dụng và tuỳ biến linh hoạt với mô hình kinh doanh của mình.
Nếu có bất cứ câu hỏi nào, đừng ngại để lại cho mình bình luận dưới phần Comment nhé!
Chúc bạn kinh doanh thành công!