Kinh doanh đồ ăn online là phương án khởi nghiệp vô cùng tiềm năng và dễ thu “lời” nhanh chóng.
Không phải ngẫu nhiên mà Phương lại khẳng định như vậy.
Khoảng 5-10 năm trước, người dân Việt Nam thường có thói quen nấu ăn mỗi ngày. Có khi nấu đủ cả 3 bữa sáng, trưa và tối. Dù là các hộ gia đình, dân văn phòng hay sinh viên đều như vậy.
Thế nhưng, trong vài năm trở lại đây, hành vi của mọi người đã khác. Nhịp sống bận rộn và sôi động thường cuốn con người ta đi, nên không còn nhiều thời gian cho việc tự nấu ăn nữa. Thay vào đó, chúng ta có xu hướng đặt đồ ăn online nhiều hơn. Thậm chí là đặt hàng ngày.
Nhu cầu từ thị trường có, ắt hẳn sẽ có nguồn cung. Đó là lý do mà hàng loạt thương hiệu bán đồ ăn ra đời, với đa dạng sản phẩm và dịch vụ khác nhau.
Vậy làm thế nào để kinh doanh đồ ăn online đầu tư nhỏ – thu lời to? Hãy dành ra 10 phút để đọc bài viết của Phương nhé!
1. Kinh doanh đồ ăn online nên bán gì?
Việc tìm hiểu mô hình kinh doanh online rất quan trọng để giúp bạn đi đúng hướng. Lựa chọn đúng thì bạn như “hổ thêm cánh”. Còn lựa chọn sai sẽ khiến bạn mất nhiều thời gian, công sức và chi phí mà lại không thu được kết quả gì.
Phương sẽ giúp bạn điểm qua 6 mô hình bán đồ ăn online HOT nhất hiện nay.
1.1. Bán đồ ăn vặt online
Theo Phương đánh giá, đây là ý tưởng kinh doanh đồ ăn online “hái ra tiền”.
Khi bạn lướt một vòng các app như ShopeeFood, Grab, Baemin, Foody… những món ăn vặt luôn có lượng bán lớn. Điển hình như thịt xiên nướng, bánh tráng trộn, ốc, chân gà nướng…
Thông thường, mỗi lần văn phòng mình đặt đồ ăn vặt là y như rằng giá trị đơn rất cao. Có khi tới 1 triệu/đơn cho 1 phòng ban khoảng hơn chục người, với đủ các món đa dạng. Đặc biệt, tần suất “rủ rê” nhau mua khá thường xuyên. Nếu “ghiền” một quán nào đó, tụi mình có xu hướng tiếp tục đặt nhiều lần hơn nữa.
Còn với học sinh, sinh viên, các món ăn vặt khoái khẩu là một phần không thể thiếu.
Chỉ với số tiền đầu tư nhỏ, cùng tài nấu ăn là bạn có thể bán gấp 2,3 thậm chí 4 lần so với giá vốn. Nhờ đó mà thu về khoản lãi không hề nhỏ. Điều đặc biệt là mô hình này hạn chế tối đa rủi ro. Chỉ khi nào có đơn hàng thì bạn mới bắt tay vào làm.
Mức vốn bạn bỏ ra ban đầu chỉ đơn giản gồm nguyên liệu chế biến, chi phí đóng gói… Bạn không cần phải tốn tiền thuê mặt bằng, nhân viên bán hàng… mà vẫn có thể thu lợi nhuận ngay.
1.2. Đồ ăn nhanh
Các món ăn nhanh như Humburger, gà rán, bánh mì nướng… phục vụ khách hàng có xu hướng nhanh, gọn. Đây cũng là sản phẩm có nhu cầu cao, chủ yếu ở các thành phố lớn.
Bán đồ ăn nhanh buổi sáng như xôi, bánh mì, bánh giò… là phương án kinh doanh online không sợ lỗ vốn.
Trước kia, công ty Phương đã từng có bạn bán đồ ăn sáng cho đồng nghiệp cùng công ty. Bạn ấy sẽ đăng hàng từ tối hôm trước và gom số lượng đơn đặt để chuẩn bị. Sáng hôm sau chỉ việc giao tới tay mọi người của từng phòng ban. Cách làm này giúp bạn ấy không bị tồn kho nguyên liệu, tối ưu được chi phí và lợi nhuận.
Với đồ ăn nhanh, yếu tố thời gian giao hàng cần được ưu tiên hàng đầu. Mặt khác, bạn cũng cần chú ý tới việc đóng gói đảm bảo sự tiện lợi.
1.3. Cơm văn phòng
Hiện nay, dịch vụ giao đồ ăn tận nơi ở các thành phố lớn đang ngày càng phát triển như “vũ bão”. Trong đó, có tới 40% khách hàng là dân công sở đặt cơm trưa.
Thông qua mua hàng online, chúng ta dễ dàng có được bữa cơm ngon, rẻ ngay tại văn phòng. Không phải tốn quá nhiều thời gian và công sức để đi tới quán ăn, hoặc dậy sớm để chuẩn bị cơm như trước nữa.
Điều đặc biệt là, với dân văn phòng, họ thường có xu hướng đặt đồ theo nhóm đông người. Do đó, doanh thu từ mỗi đơn hàng khá cao. Nếu suất ăn bạn chế biến đủ ngon miệng, sạch sẽ và phục vụ tốt, khách hàng sẽ trung thành với bạn trong thời gian dài.
Với kinh doanh cơm văn phòng online, bạn hoàn toàn có thể làm tại nhà mà không cần thuê mặt bằng. Điều này giúp bạn tiết kiệm được khoản tiền lớn.
Bên cạnh đó, bạn cũng ít gặp rủi ro hơn. Khách đặt hàng đến đâu, mình làm đến đó nên lượng thức ăn sẽ không bị dư thừa lãng phí.
1.4. Bán cafe, trà sữa
Việc uống cafe, trà sữa bây giờ dường như trở thành một thói quen của nhiều người. Ngoài việc ra quán ngồi nhâm nhi một ly, thì người ta cũng dần có xu hướng đặt hàng online nhiều hơn. Đặc biệt, đây là ý tưởng kinh doanh online mùa dịch vô cùng lý tưởng và tiềm năng.
Mô hình này rất tiềm năng, Phương không phủ nhận điều đó. Nhưng để đạt thành công, bạn cần tạo ra một thức đồ uống ngon và mang phong cách của riêng bạn. Nếu không thì bạn rất khó cạnh tranh với thị trường.
1.5. Kinh doanh thực phẩm sạch
Đây là mô hình kinh doanh đồ ăn online mang lại doanh thu và lợi nhuận ổn định cho bạn trong lâu dài. Trong mùa dịch, người ta thường có xu hướng “đi chợ online” nhiều hơn là ra siêu thị, chợ cóc… để mua hàng.
Các loại thịt lợn, thịt bò, cá, tôm,… hay rau xanh, hoa quả luôn có sức mua lớn trên thị trường. Khi bạn chứng minh được nguồn gốc hàng hoá của mình là “chuẩn sạch”, xuất xứ rõ ràng, thì bạn rất dễ thu hút khách hàng trung thành.
Chị của Phương là người kinh doanh thực phẩm sạch online vô cùng thành công trên Facebook cá nhân. Tính tới giờ, chị ấy đã bán được 6 năm rồi. Chị thường lấy thực phẩm sạch ở quê rồi bán ở Hà Nội. Mỗi đơn trung bình có thể lên tới vài triệu đồng.
1.6. Kinh doanh lẩu, nướng online
Trước kia, người ta thường nghĩ rằng: “Muốn ăn lẩu, nướng thì phải tới quán!”. Đại dịch Covid-19 bùng phát đã khiến hàng loạt nhà hàng, quán ăn bị đóng cửa. Vậy nên, nhiều bên đã chuyển dịch sang mô hình bán các set lẩu, nướng online trên Fanpage, Tiktok, app bán đồ ăn online…
Phương cũng từng mua các set đồ này về. Mình thấy khá ngon và tiện lợi. Nếu so với việc đi siêu thị, chợ để mua đồ ăn về nấu lẩu/nướng, thì việc đặt đồ online giúp mình tiết kiệm chi phí, thời gian hơn rất nhiều. Vì vậy, Phương thấy đây là mô hình khá thú vị để bạn tham khảo.
2. Kinh doanh đồ ăn online cần chuẩn bị gì?
2.1. Kiến thức về đồ ăn
Để làm chủ, bạn cần giỏi về chính sản phẩm bạn đang bán. Có như vậy thì công việc kinh doanh của bạn mới thành công và duy trì lâu dài, bền vững. Bạn có thể tìm hiểu về các nguồn nhập thực phẩm, công thức chế biến món ăn, cách bày biện sao cho đẹp mắt…
Phương thấy trên Facebook của mình có bạn bán các món ăn tự nấu rất thành công. Ví dụ như gà tần, bún, phở… Hoặc có những bạn làm bánh tráng trộn, hủ tiếu, thịt xiên nướng… và bán online vô cùng đắt hàng.
Điều làm nên sự thành công của những người này là món ăn tươi ngon, sạch sẽ. Họ cũng biết cách trang trí và đóng gói ngon mắt. Việc họ liên tục cháy hàng và làm không kịp bán cũng là điều dễ hiểu.
2.2. Chất lượng món ăn đảm bảo
Trong những giai đoạn đầu khởi nghiệp, điều bạn cần quan tâm đầu tiên là hoàn thiện chất lượng món ăn.
Phương đã từng thấy có nhiều quán ban đầu đồ ăn rất ngon. Tuy nhiên, khi đã đông khách rồi, độ ngon đó không còn nữa. Thay vào đó là hương vị khác với ban đầu, đóng gói cũng sơ sài hơn.
Phương vẫn nhớ như in một lần mình đặt 4 suất cơm tấm sườn bì cho cả nhà. Thế nhưng, khi hàng giao đến lại có 2 suất bị thiếu sườn. Trong hộp chỉ có trơ trọi 1 miếng trứng cuộn, bì, và ít dưa góp bị hỏng do để lâu. Thực sự đây là trải nghiệm khá tệ với Phương khi đặt đồ ăn online. Và chắc chắn mình sẽ không bao giờ quay lại bên này nữa.
Có thể nói, không điều gì tồi tệ hơn việc mình đã phải chờ đợi lâu nhưng lại nhận được món ăn như vậy. Tất nhiên, không phải quán nào cũng thế. Khá nhiều quán Phương mua đồ vẫn luôn giữ chất lượng ở trạng thái tốt nhất.
Yếu tố an toàn vệ sinh thực phẩm cũng rất quan trọng. Bạn đừng nên vì lợi nhuận mà cố tình nhập các thực phẩm bẩn, nguyên liệu không đảm bảo… để chế biến đồ ăn.
Phương chỉ muốn nói là:
Dù kinh doanh bất cứ mặt hàng nào, bạn cũng nên chú trọng về chất lượng. Đồ ăn cũng như vậy!
2.3. Đủ nguồn lực phục vụ
Khi số lượng đơn càng lớn, bạn phải tính đến việc mình có đủ sức phục vụ hay không? Lượng nhân viên như thế nào? Mỗi nhân viên có thể phục vụ cho bao nhiêu khách?… Việc tính toán không kỹ sẽ khiến bạn rơi vào trạng thái quá tải và chất lượng món ăn, dịch vụ đi xuống.
Yếu tố giao hàng cũng rất quan trọng khi bạn kinh doanh đồ ăn online. Với các mặt hàng như thời trang, mỹ phẩm… việc giao hàng trễ một chút cũng không sao. Nhưng với đồ ăn thì việc này là tối kỵ.
Nếu bạn vận chuyển hàng quá chậm, nhiều món sẽ bị hỏng. Khách hàng có thể đặt món từ bất kỳ nơi nào trong thành phố. Vì vậy, bạn nên cân nhắc lựa chọn các đơn vị giao hàng hoả tốc như Grab, Baemin,… Những bên này có số lượng tài xế lớn, thông thạo đường.
2.3. Hình ảnh, video hấp dẫn
Điểm chạm đầu tiên tới khách hàng khi họ gọi món online chính là hình ảnh/video. “Phần nhìn” càng bắt mắt, bạn càng dễ thu hút được khách hàng.
Thay vì sử dụng những hình ảnh/video có sẵn trên mạng, hoặc quay chụp qua loa, bạn nên học cách bày biện món ăn với bao gói chuẩn, đầy đủ và ngon miệng. Sau đó chọn góc đẹp để chụp hình/quay video sao cho nịnh mắt nhất có thể.
Những món ăn của bạn cũng nên có sự đồng điệu trong concept thể hiện. Một lưu ý khác dành cho bạn là hãy đóng logo hoặc tên thương hiệu, SĐT để tránh việc bị đối thủ “ăn cắp” hình ảnh.
2.4. Học cách tính phí ship hàng
Với Phương mà nói thì việc tính toán phí vận chuyển là “muôn hình vạn trạng”. Bạn có thể lựa chọn Freeship (miễn phí giao hàng), tính theo khoảng cách, hoặc đồng giá.
Freeship
Áp dụng Freeship giúp bạn quảng bá quán online của mình vô cùng hiệu quả. Hầu như tâm lý người nào cũng muốn được Freeship. Mặc dù họ biết rằng giá món ăn đã được đẩy lên cao để “cân” phí vận chuyển, nhưng họ vẫn có xu hướng lựa chọn những quán có ưu đãi này.
Tuy nhiên, bạn cần xem xét tình hình kinh doanh hiện tại có đủ để thực hiện phụ phí này cho khách hàng không.
Theo kinh nghiệm của Phương, bạn chỉ nên sử dụng hình thức Freeship trong những trường hợp:
- Mới mở quán kinh doanh online: Việc miễn phí giao hàng sẽ giúp bạn thu hút khách hàng tốt hơn.
- Áp dụng với các đơn hàng có giá trị lớn, hoặc mua theo COMBO. Ví dụ: Mua đủ 50K sẽ được Freeship.
Tính phí vận chuyển theo khoảng cách địa lý
Cách tính này giúp bạn tối ưu chi phí vận chuyển trên từng đơn hàng. Bạn sẽ không lo bị khoản phí này ảnh hưởng tới lợi nhuận nữa.
Với khách hàng có địa chỉ gần quán của bạn thì phí giao hàng thường thấp. Ngược lại, với những khách hàng ở xa hơn thì họ phải gánh chi phí khá cao. Thậm chí là cao hơn so với giá món ăn đã đặt. Điều này khiến nhiều người từ bỏ đặt món. Đây là nhược điểm lớn của phương án này.
Đồng giá phí ship
Ví dụ đơn giản cho bạn dễ hình dung như sau:
Bạn áp dụng phí ship 20K cho toàn bộ đơn hàng ở mọi khu vực trong thành phố, thì đây được gọi là hình thức “đồng giá” phí vận chuyển.
Với các đơn gần, bạn có thể lãi ra một chút. Nhưng với đơn xa, bạn lại phải “bù ship” một chút. Tóm lại, nếu bạn tính được một mức phí ship trung bình và hợp lý nhất, bạn sẽ không bị lỗ bất cứ một khoản nào mà vẫn tối ưu chi phí hiệu quả.
3. Kinh doanh đồ ăn online ở đâu để “đắt hàng như tôm tươi”?
3.1. Facebook cá nhân
Bạn bè của Phương có nhiều người thành công với việc kinh doanh đồ ăn online trên Facebook cá nhân. Mình thấy thường có 2 hình thức chính: bán lâu dài và bán lướt sóng.
Với kinh doanh lướt sóng, bạn có thể kinh doanh các mặt hàng thời vụ như:
- Bánh nướng, bánh dẻo vào dịp Trung thu.
- Mứt Tết, bánh kẹo Tết.
- Socola vào dịp Valentine.
- …
Còn để bán lâu dài, hãy lựa chọn những món ăn có sức mua lớn, và tần suất mua lặp lại cao. Ví dụ như đồ ăn vặt, trà sữa, cafe, thực phẩm sạch.
Việc xây dựng thương hiệu trên Facebook cá nhân rất quan trọng nếu bạn lựa chọn kênh bán hàng này. Bạn nên chia các bài viết theo Album cụ thể:
- Giới thiệu, quảng cáo món ăn.
- Hình ảnh/video chế biến đồ ăn, nhập nguyên liệu.
- Hàng đi, hàng về để biểu thị bán đắt hàng.
- Feedback khách hàng.
- …
Đây là cách mà chị của Phương đã áp dụng hiệu quả vào việc bán thực phẩm sạch tươi sống. Ngoài ra, chị ấy còn bán thêm một số món chế biến sẵn như giò chả, cá kho, khoai tầng om xương… dành cho những người không có nhiều thời gian cho bếp núc.
Hơn thế nữa, cách kinh doanh đồ ăn online trên Facebook thường gặp ít rủi ro, thậm chí là không. Bạn chỉ việc đăng bán hàng, khi có đơn mới cần làm đồ để giao khách. Bạn có thể bắt đầu bằng số vốn siêu nhỏ nhưng vẫn thu về lợi nhuận tốt.
3.2. App bán đồ ăn online
Sử dụng các app ShopeeFood, GrabFood, Baemin, GoFood hay Loship… đã trở nên quá quen thuộc với giới trẻ.
Ưu điểm lớn nhất của việc bán hàng qua app là dễ dàng tiếp cận số lượng lớn khách hàng. Khi tiệm ăn của bạn càng uy tín và tích luỹ được nhiều đánh giá chất lượng, bạn sẽ càng đông khách. Người dùng cũng dễ dàng đặt được món đồ ưa thích chỉ trong một thời gian ngắn.
Chi phí mở gian hàng
Những app bán đồ ăn online hiện tại đang chia thành 2 nhóm: Miễn phí mở gian hàng và có thu phí.
Với các đơn vị như Baemin, GoFood và Loship, chủ quán được hỗ trợ đăng ký gian hàng miễn phí.
Còn ShopeeFood (tiền thân là Now) thu phí 1 triệu cho tất cả các cửa hàng. GrabFood áp dụng mức phí tương tự với Hà Nội và Hồ Chí Minh. Những tỉnh thành còn lại chưa áp dụng.
Mức thu phí trên từng đơn hàng
Dưới đây, Phương đã lập bảng so sánh mức chiết khấu đơn hàng của các ứng dụng đặt món:
Cách thức đăng ký gian hàng
Để đăng ký gian hàng, bạn cần làm các bước sau:
- B1: Đăng ký qua Website chính thức của ứng dụng.
- B2: Hoàn tất đăng ký. Đội ngũ hỗ trợ sẽ liên hệ tư vấn và xác nhận đăng ký.
- B3: Thiết lập những thông tin cơ bản, thực đơn, giờ mở cửa.
- B4: Bắt đầu bán hàng.
3.3. Thuê bài quảng cáo/seeding trên các Group
Nếu chăm vào các Group như Hà Nội ăn gì?Ở đâu?, Hội Review đồ ăn có tâm… bạn sẽ thấy vô vàn bài viết review món ăn của các quán. Đây có thể là bài kể lại trải nghiệm thật sự của nhiều người, hoặc cũng có thể là quảng cáo dưới dạng seeding.
Việc thuê người seeding trên Group là cách thức khá thông minh để tiếp cận đông đảo khách hàng. Bởi nó đem lại cho người đọc cảm giác chân thật. “Quảng cáo như không quảng cáo”.
3.4. Thuê Influencer trên Tiktok để quảng bá
Tốc độ phát triển của Tiktok có thể được gọi bằng một từ “kỳ lân”. Nhiều thương hiệu, nhãn hàng ở khắp các ngành nghề kinh doanh đều lựa chọn Tiktok để quảng bá thương hiệu. Trong số đó, hợp tác với Influencer (những bạn có lượng follow, tương tác khủng) là cách hiệu quả bạn nên áp dụng.
Tuy nhiên, bạn cần lưu ý một số điểm:
- Tìm kiếm các Influencer có tâm, hồ sơ “sạch” và không có phốt để tránh drama không đáng có xảy ra.
- Bạn phải đảm bảo đồ ăn có chất lượng tốt, chế biến sạch sẽ và an toàn cho sức khoẻ người dùng. Có khá nhiều Influencer review quán ăn trên Tiktok theo cách “khen tấm tắc”. Nhưng khi khách hàng tới tận nơi trải nghiệm món ăn và dịch vụ thì lại hết sức thất vọng. Đây là điều không nên trong kinh doanh.
3.5. Tự xây dựng Website, Hotline, Fanpage để kinh doanh
Bạn thử hình dung như thế này!
Khi liên kết với những app bán đồ ăn, đơn vị giao hàng, bạn mất tới 25-30% giá trị đơn hàng và phí mở gian hàng. Để có lợi nhuận, bạn cần chạy làm sao cho càng nhiều đơn càng tốt. Hoặc bạn phải định vị mình ở phân khúc cao hơn.
THẾ NHƯNG! Theo quy định của các đơn vị này, chủ tiệm cần đảm bảo giá bán không được chênh lệch quá nhiều so với mặt bằng chung của thị trường. Điều này sẽ khiến bạn rất khó để cạnh tranh và bán tốt. Nhất là khi thương hiệu của bạn lại “sinh sau đẻ muộn” so với vô vàn các bên lớn ngoài kia.
Khi làm bất cứ việc gì mà phụ thuộc vào bên thứ ba, thì bạn luôn phải tuân thủ theo Luật của họ. Vì vậy, Phương cho rằng, việc kinh doanh trên các app bán đồ ăn chỉ nên là bước khởi đầu cho bạn khi mới khởi nghiệp.
Còn lâu dài, bạn cần “tự lực, tự cường” bằng cách xây dựng các kênh kinh doanh online do chính mình sở hữu. Ví dụ như Kinh doanh online trên Facebook Fanpage, Website, Tiktok, Zalo…
Có vô vàn bạn thành công khi bán đồ ăn online trên Tiktok. Họ tạo ra những video nấu ăn vô cùng hấp dẫn, và bán hàng một cách tự nhiên. Còn theo một hướng chuyên nghiệp hơn, bạn có thể tự xây Website, kênh Youtube để tiếp cận khách hàng.
Mô hình này khiến bạn gặp khó khăn trong thời gian đầu. Nhưng bù lại, nó sẽ giúp bạn có được doanh thu và lợi nhuận lâu bền về sau.
4. Lời kết
Những chia sẻ trên đây được Phương đúc kết từ trải nghiệm của bản thân. Hi vọng rằng, từng mục trong bài viết này sẽ giúp ích cho bạn khi bắt đầu kinh doanh đồ ăn online.
Nếu bạn có kinh nghiệm gì khác, đừng quên bình luận cho Phương biết nhé.
Chúc bạn luôn may mắn và thành công!