Kinh doanh online là một “sân chơi” đầy tiềm năng. Nơi bạn có cơ hội được làm chủ doanh nghiệp của chính mình. Ngay cả khi bắt đầu với số vốn thấp, bạn vẫn có thể khởi nghiệp và đạt được lợi nhuận cao. Trong bài viết này, Phương sẽ hướng dẫn bạn các bước kinh doanh online thành công cho người mới bắt đầu.
Chắc bạn đã từng nghe tới câu chuyện: Anh A, cô B… 1 ngày chỉ làm vài giờ nhưng lợi nhuận rủng rỉnh cũng được vài chục tới cả trăm triệu 1 tháng. Trên thực tế, ai cũng có thể đạt được kết quả này với kinh doanh online. Tuy nhiên, bạn phải biết cách trang bị đủ kiến thức và kinh nghiệm.
Hiện nay, trên mạng Internet có vô số người hướng dẫn khởi nghiệp. Từ cách tìm nguồn hàng kinh doanh online, lựa chọn sản phẩm, cho tới các hình thức quảng cáo,…
NHƯNG! Bạn thử đánh giá xem: Có bao nhiêu người chỉ bạn đúng cách? Và bao nhiêu người nói ra được những rủi ro bạn phải đối mặt?
Thật sự là rất ít!
Phương là người đã từng trải qua nhiều bài học “xương máu”. Vì vậy, những chia sẻ dưới đây được đúc rút từ kinh nghiệm của bản thân mình. Hãy dành 5 phút để đọc hết bài viết nhé!
1. Bước 1: Xác định thời gian rảnh rỗi
Nếu bạn đang có một công việc với mức thu nhập ổn định, chế độ phúc lợi tốt, Phương khuyên bạn nên tiếp tục với công việc đó. Ngoài ra, nên bạn kinh doanh online thêm để gia tăng thu nhập. Nhưng tuyệt đối, đừng nghỉ việc luôn. Bởi rất có thể, bạn sẽ rơi vào tình trạng “hẫng” về mặt tài chính.
Hãy tận dụng khoảng thời gian rảnh rỗi của mình để bắt đầu khởi nghiệp. Ví dụ như tranh thủ giờ nghỉ trưa, buổi tối khi đi làm về, hoặc cuối tuần… để học thêm kiến thức kinh doanh online. Khi thu nhập từ kinh doanh cao hơn công việc chính, bạn cảm thấy tự tin và có nhu cầu mở rộng quy mô hơn nữa, thì lúc đó nghỉ việc cũng chưa muộn.
Phương chỉ muốn nói rằng:
Đừng bao giờ bỏ hết trứng vào một giỏ!
2. Bước 2: Tìm ý tưởng kinh doanh online
Trong các bước kinh doanh online thành công, thì bước này là quan trọng nhất và ảnh hưởng tới toàn bộ tiến trình sau này.
Tưởng tượng đơn giản như sau! Khi bạn xây một ngôi nhà, đầu tiên bạn cần làm tốt phần móng. Móng nhà có vững thì cả ngôi nhà mới không bị lung lay.
Việc tìm sản phẩm kinh doanh cũng giống như “móng” của ngôi nhà mang tên “Doanh nghiệp/cửa hàng trực tuyến” vậy. Nếu như bạn lựa chọn đúng, thì công việc kinh doanh trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
2.1. Xác định tiêu chí lựa chọn sản phẩm kinh doanh online
Đầu tiên, bạn hãy tự làm rõ điều mình mong muốn nhất khi kinh doanh online là gì.
“Mình muốn bán sản phẩm mình thích?
Hay mình kinh doanh chỉ là để kiếm tiền?”
Khi bạn thực sự trả lời được câu hỏi này, thì con đường phía trước sẽ rõ ràng hơn. Trong trường hợp bạn muốn làm sản phẩm mình thích, thì bạn cần kiên trì với nó đến cùng. Mình gọi đây là “Kinh doanh vì đam mê”.
Nếu tư duy kinh doanh của bạn là kiếm tiền, thì có lẽ dễ hơn rồi đấy! Như vậy, bạn sẽ không ràng buộc với bất kỳ một mặt hàng hay sản phẩm cụ thể nào. Bạn tiếp cận kinh doanh như một tờ giấy trắng. Và nhờ đó, việc bạn đạt được thành công sẽ nhanh hơn bao giờ hết.
Có ích cho bạn: 7 tiêu chí lựa chọn sản phẩm kinh doanh đạt 1000 đơn/ngày
Một số mặt hàng như sau: thời trang unisex, đồ gia dụng/decor nhà cửa, phụ kiện ô tô, đồ chơi công nghệ, mẹ & bé… có thể bán được quanh năm, tỷ lệ mua lặp lại cao sẽ là gợi ý tuyệt vời cho bạn.
Nếu như bạn có khả năng tạo ra các sản phẩm số: khoá học online, ebook, tài liệu hướng dẫn… cung cấp kiến thức hữu ích cho khách hàng, thì bạn cũng có thể thử sức kinh doanh online loại sản phẩm này.
2.2. Nghiên cứu tiềm năng thị trường
Khi đã có một danh sách ý tưởng về sản phẩm/dịch vụ để kinh doanh online, đôi khi bạn sẽ không biết phải lựa chọn như thế nào. Thế nhưng, với việc nghiên cứu tiềm năng thị trường, bạn sẽ có quyết định chính xác hơn.
Có 3 cách Phương thường sử dụng để nghiên cứu: kiểm tra trên Shopee, công cụ tìm kiếm từ khoá, mạng xã hội.
Thứ nhất: Kiểm tra trên Shopee
Đầu tiên, hãy thử cách nghiên cứu tiềm năng thị trường trên Shopee. Nhờ Shopee, bạn có thể xem được sản phẩm đó có bao nhiêu lượng bán mỗi tháng? Số lượt đánh giá có nhiều không? Và cả phản hồi chi tiết, kèm hình ảnh/video thật của sản phẩm mà khách hàng cung cấp.
Thêm nữa, lướt Shopee cũng là một cách tìm nguồn hàng kinh doanh online hiệu quả. Vì bản chất Shopee là sàn TMĐT bán giá rẻ, nên các xưởng/tổng kho luôn cố gắng mở gian hàng ở đây để tiếp cận tệp khách hàng lớn hơn.
Thứ hai: Kiểm tra qua công cụ nghiên cứu từ khoá
Bạn có thể sử dụng các công cụ nghiên cứu từ khoá như Keywordtool.io, Google Keyword Planner hay KWFinder, sau đó gõ tên sản phẩm mà bạn dự định kinh doanh online. Hãy dành thời gian xem xét có bao nhiêu người tìm kiếm từ khoá sản phẩm mỗi tháng. Thông thường 1.000 lượt tìm kiếm được đánh giá là tiềm năng để bạn lựa chọn.
Thứ ba: Kiểm tra trên Mạng xã hội
Ngoài cách tìm kiếm trên sàn TMĐT, hay các công cụ nghiên cứu từ khoá, bạn có thể sử dụng mạng xã hội: Facebook, Zalo, Instagram… để kiểm tra.
Facebook và Zalo là 2 kênh thể hiện rõ nhất xu hướng và tiềm năng của thị trường. Trong đó, với Facebook, bạn có thể đánh giá được cả thị trường sỉ và lẻ. Còn với Zalo, đây là kênh mạnh nhất để theo dõi các xưởng/tổng kho đầu nguồn và các mặt hàng tiềm năng.
Khi bạn mới bắt đầu kinh doanh online, Phương khuyên bạn nên lựa chọn thị trường ngách để giảm bớt sự cạnh tranh. Ví dụ: bộ che nắng ô tô, tai nghe iphone, váy thiết kế cho bà bầu, đồ bộ pijama,…
2.3. Tính bền vững của sản phẩm/dịch vụ
Sản phẩm bán được quanh năm là một trong những tiêu chí quan trọng để Phương ra quyết định. Bởi nếu bạn chỉ bán các sản phẩm mùa vụ, không có tính lâu dài thì việc kinh doanh sẽ trở nên khó khăn và tốn kém chi phí hơn.
Hãy sử dụng Google Trends để nghiên cứu xu hướng của sản phẩm. Bạn gõ từ khoá, lựa chọn quốc gia Việt Nam và thời gian 5 năm để xem sự biến động của sản phẩm này trong vài năm nhé.
3. Bước 3. Đặt tên thương hiệu
Mỗi chúng ta khi sinh ra đều được bố mẹ đặt tên. Vậy, vào thời điểm Business Online của bạn ra đời, bạn cũng nên đặt một cái tên ý nghĩa cho nó.
Khi đặt tên thương hiệu, bạn cần lưu ý những điều sau:
- Ngắn gọn và đơn giản: một hoặc hai từ, không nên dài quá ba từ.
- Khác biệt và độc đáo.
- Không đặt tên giống với tên các thương hiệu đã được đăng ký bản quyền nhãn hiệu.
4. Bước 4: Xác định vốn kinh doanh online:
Có rất nhiều người hỏi Phương rằng: Cần bao nhiêu vốn để có thể kinh doanh online thành công?
Phương xin trả lời rằng: Bao nhiêu cũng không bao giờ là đủ. Trên thực tế, Phương đã hướng dẫn kinh doanh online không cần vốn cho khá nhiều người. Và đặc biệt, họ đều gặt hái được kết quả tốt.
Có những người sở hữu số vốn bạc tỷ mà vẫn thất bại. Nhưng cũng có người khởi nghiệp với số vốn 0 đồng vẫn thành công. Khi số vốn càng ít, kiến thức của bạn lại càng phải nhiều.
Bạn nên xác định rõ nguồn vốn của mình có bao nhiêu, có cần vay hay không? Và nếu vay thì từ nguồn nào? Để an toàn nhất, bạn nên bắt đầu kinh doanh online với số vốn nhỏ rồi dần mở rộng và đầu tư thêm.
Với sản phẩm số như khoá học, ebook, tài liệu, viết blog kiếm tiền…, bạn chỉ cần đầu tư số vốn rất thấp vào thời điểm đầu và thu lợi nhuận trọn đời. Còn nếu là sản phẩm vật lý, số vốn đầu tư sẽ cao hơn vì cần tiền nhập hàng, đóng gói…
Lợi thế lớn nhất của kinh doanh online là cắt giảm được chi phí mặt bằng, nhân sự cửa hàng… Vì vậy, hãy tính toán chi tiết toàn bộ chi phí để xác định rõ mình cần chuẩn bị bao nhiêu vốn trước khi bắt đầu.
5. Bước 5: Lập kế hoạch kinh doanh
Dù kinh doanh nhỏ lẻ hay với quy mô lớn, khá nhiều người vẫn không lập kế hoạch kinh doanh rõ ràng. Việc này khiến bạn gặp rất nhiều khó khăn khi triển khai.
Nếu không vạch ra kế hoạch cụ thể, bạn dễ bị luẩn quẩn trong những việc không tên mà bỏ qua các công việc quan trọng. Hoặc do không thiết lập mục tiêu doanh thu, lợi nhuận ngay từ đầu nên cứ làm mãi mà chẳng thấy tiền đâu.
Việc viết ra bản kế hoạch chi tiết giúp bạn xác định đầy đủ những phương án, chiến lược, ngân sách triển khai, nhân sự thực thiện và các rủi ro… có thể xảy đến khi kinh doanh online. Từ đó, bạn sẽ biết cách điều tiết công việc và xử lý.
6. Bước 6: Cách tìm nguồn hàng kinh doanh online
Một nguồn hàng tốt cần đáp ứng được các tiêu chí như sau:
- Cung cấp hàng chất lượng.
- Thời gian hàng về nhanh.
- Chính sách giá hấp dẫn.
- Cung cấp đủ số lượng hàng hoá.
- Dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt.
Đừng cố “đâm đầu” vào các nguồn hàng giá rẻ nhưng chất lượng không đảm bảo, hoặc thời gian hàng về quá lâu. Cách tìm nguồn hàng kinh doanh online hiệu quả nhất là tối ưu được cho dòng tiền. Bạn có thể THU NHANH – CHI CHẬM nhờ việc hợp tác với các mối sỉ chất lượng, uy tín
Những kênh tập trung nguồn hàng ổn trong nước là: Shopee, Facebook, Zalo, Google…Còn nếu bạn muốn nhập hàng Trung Quốc thì 1688, Taobao, Aliexpress… là sự lựa chọn lý tưởng.
7. Bước 7: Lựa chọn kênh kinh doanh online phù hợp
Tuỳ vào định hướng và mục tiêu mà bạn nên lựa chọn kênh kinh doanh online phù hợp. Phương sẽ phân loại theo 2 nhóm kênh cụ thể:
- Kênh tạo doanh thu nhanh và mạnh.
- Kênh tạo doanh thu bền vững trong dài hạn.
7.1. Kênh tạo doanh thu nhanh và mạnh
Đây là cách sử dụng quảng cáo để đẩy doanh thu và lợi nhuận cao một cách nhanh chóng. Ví dụ: Facebook, Instagram, Zalo… Tuy nhiên, khi bạn dừng quảng cáo, thì doanh thu sẽ giảm đi. Thực tế đã chứng minh, rất nhiều bạn đã giàu lên nhanh chóng nhờ phương pháp này.
7.2. Kênh tạo doanh thu bền vững trong dài hạn
Bạn sẽ mất nhiều công sức và thời gian ban đầu để xây dựng các kênh marketing này. Khi bạn kiên trì làm tốt thì nguồn doanh thu sẽ tự đổ về một cách thụ động. Đặc biệt, qua thời gian càng lâu, thì hiệu quả càng lớn và bền vững.
Ví dụ: Website, Youtube, Sàn TMĐT, Tiktok…
Khi kênh của bạn phát triển và có lượng truy cập lớn, ngoài nguồn thu nhập từ việc bán sản phẩm của chính mình, bạn còn có thể thu được nguồn tiền từ đặt quảng cáo, affiliate,…
8. Bước 8: Thực thi kế hoạch kinh doanh online
Sau khi đã lên được kế hoạch chi tiết, đây là lúc bạn cần bắt tay vào thực thi kế hoạch đó. Bạn có thể tự làm hoặc thuê người làm việc cho mình. Hãy nghĩ đến việc “mượn” nguồn lực của người khác để đi nhanh hơn.
Điều quan trọng với một thương hiệu mới chính là xây dựng tài nguyên online: content, hình ảnh, video, các kênh bán hàng… Tuỳ vào mô hình kinh doanh và kênh marketing mà bạn nên xác định làm việc nào trước tiên.
Ví dụ, bạn kinh doanh theo mô hình bán lẻ trực tuyến bằng cách chạy quảng cáo chuyển đổi trên Facebook. Việc bạn cần làm đầu tiên là lập fanpage, tạo tài khoản quảng cáo và nuôi pixel… Hay nếu bạn xác định website sẽ là kênh marketing chính, thì bạn nên xây dựng website, mua domain, hosting và viết nội dung trên đó.
Có ích cho bạn: Bật mí 5 yếu tố cấu thành website chuyên nghiệp – “Cỗ máy kiếm tiền” trên Internet
9. Bước 9: Kiểm tra, đánh giá hiệu quả và điều chỉnh
Việc xây dựng báo cáo chi tiết để theo dõi, đo lường các chỉ số vô cùng quan trọng. Nếu bạn không đánh giá hiệu quả doanh thu bán hàng, chi phí, đơn hàng, tỷ lệ chốt sales,… thì rất có thể bạn sẽ rơi vào tình trạng dù bán được rất nhiều hàng nhưng mãi chẳng thấy tiền đâu.
Có 2 cách mà Phương muốn gợi ý cho các bạn:
- Cách 1: lập bảng excel chi tiết để theo dõi các chỉ số hiệu quả kinh doanh.
- Cách 2: sử dụng các phần mềm bán hàng như Nhanh, Sapo, Nobita… để theo dõi dữ liệu nhanh chóng.
Một điều cũng rất quan trọng khi kinh doanh online chính là theo dõi phản hồi của khách hàng. Bạn nên dành thời gian tương tác với khách hàng. Từ đó tiếp nhận phản hồi tích cực, xử lý phản hồi tiêu cực. Đôi khi, chính khách hàng sẽ cho bạn biết mình cần phải làm gì để kinh doanh hiệu quả hơn.
10. Bước 10: Mở rộng quy mô kinh doanh online
Nếu việc kinh doanh online đạt kết quả tốt, chắc chắn bạn sẽ muốn mở rộng quy mô để thành công hơn. Sau đây là một số phương án bạn nên thử:
- Đầu tư nhiều hơn vào quảng cáo: tăng ngân sách, tăng thông điệp bán chạy cho sản phẩm/dịch vụ. Nhờ đó, bạn có thể tiếp cận tới đông đảo khách hàng mục tiêu hơn.
- Mở rộng danh mục sản phẩm: mỗi sản phẩm có dung lượng thị trường nhất định. Nếu muốn phát triển doanh thu, lợi nhuận, bạn cần kinh doanh thêm sản phẩm khác.
- Mở rộng ngành hàng: VD bạn kinh doanh thời trang nữ, bạn nên bán thêm phụ kiện thời trang. Đây là giải pháp thông minh để tận dụng tệp khách hàng sẵn có.
Lời kết
Trên đây là toàn bộ các bước kinh doanh online thành công cho người mới bắt đầu. Hi vọng rằng, bài viết này sẽ giúp bạn hình dung rõ nét hơn những công việc cần làm khi khởi nghiệp.
Đừng quên bình luận và chia sẻ nếu thấy bài viết hữu ích nhé!
Chúc bạn luôn may mắn và thành công!