Cần bao nhiêu vốn để kinh doanh online?
Tôi có nên vay vốn kinh doanh không?
Trên thực tế, không có câu trả lời chính xác nào cho câu hỏi này. Bởi có người bắt đầu bằng tiền tỷ nhưng vẫn không thể thành công. Ngược lại, có những người kinh doanh online không cần vốn vẫn thành công và làm nên cơ nghiệp bạc tỷ.
Khi tiền vốn càng ít, bạn càng phải nhiều kiến thức và kỹ năng hơn. Vậy cách kinh doanh online không cần vốn như thế nào?Phương sẽ tiết lộ cho bạn 5 bí mật dưới đây!
1.Xác định các khoản chi phí lớn nhất cần đầu tư kinh doanh online
Đây cũng là công việc quan trọng trong các bước kinh doanh online thành công. Trong đó, có 2 khoản chi phí lớn nhất bạn cần bỏ ra để đầu tư:
- Thứ nhất: Chi phí nhập hàng.
- Thứ hai: Các loại chi phí dành cho quảng cáo, phần mềm, Tools, công cụ hỗ trợ…
Nếu như nắm được kiến thức, thì cả 2 loại chi phí này bạn đều không phải bỏ vốn.
2. 5 bí mật kinh doanh online không cần vốn
Bí mật 1: Hợp tác kinh doanh với nhà cung cấp: Họ bỏ vốn, bạn bỏ công!
Nếu bạn có lợi thế về Marketing – Bán hàng, nhưng lại không mạnh về vốn và hàng hoá, thì việc hợp tác kinh doanh không cần vốn với phía nguồn hàng là sự lựa chọn thông minh. Đây cũng là phương án hoàn hảo cho bạn để kinh doanh online mùa dịch hiệu quả. Phương đã từng gặp rất nhiều bạn thành công với mô hình này.
Cụ thể, bạn sẽ làm việc với nguồn hàng theo hình thức: họ bỏ vốn lo hàng hoá, vận hành, bạn bỏ công để bán hàng. Mỗi người lo một mảng khác nhau trên cương vị hợp tác cùng phát triển. Sau đó, hai bên sẽ cùng ăn chia lợi nhuận.
Tuỳ theo công sức và mức độ đóng góp, hai bên có thể thoả thuận về cổ phần sao cho hợp lý. Bạn sẽ dễ mở rộng quy mô nhanh chóng, và không bị quá tải khi phải làm quá nhiều việc. Lưu ý, các điều khoản khi hợp tác, vấn đề chia tỷ lệ lợi nhuận cần bàn bạc rõ ràng để tránh xung đột không đáng có sau này.
Bí mật 2: Kinh doanh online không cần vốn với hình thức CTV, Affiliate, Dropship
Mô hình này rất phù hợp với người có số vốn ít muốn khởi nghiệp kinh doanh. Chúng tuân thủ đủ 3 KHÔNG: Không vốn – Không tồn kho – Không giao hàng.
- Cộng tác viên: CTV chỉ cần đàm phán với nhà cung cấp để lấy hàng với giá tốt nhất. Sau đó tìm cách bán đến tệp khách hàng tiềm năng có sẵn. CTV có thể tự giao hàng, hoặc nhờ phía nguồn hàng giao hộ. Tiền chênh lệch chính là lợi nhuận được hưởng.
- Affiliate Marketing: Bạn quảng bá sản phẩm của bên khác, kèm link bán hàng trên hệ thống online của bạn. Khi khách truy cập vào link Affiliate và mua hàng, bạn sẽ nhận được hoa hồng trên đơn hàng thành công.
- Dropshipping: Bạn chỉ cần quảng bá sản phẩm qua các kênh kinh doanh online như Website, Facebook, Tiktok… Khi có khách đặt hàng, bạn tự lên đơn với đơn vị vận chuyển. Tiếp theo, bạn gửi mã vận đơn và chuyển khoản tiền hàng cho nhà cung cấp. Họ sẽ chịu trách nhiệm gửi hàng đến khách hàng. Doanh thu từ đó trực tiếp đổ về tài khoản của bạn.
Bí mật 3: Bán hàng tồn kho của người khác
Tại sao nên bán hàng tồn kho của người khác?
Chắc hẳn bạn sẽ thắc mắc: “Người khác không bán được hàng thì mới bị tồn kho, tại sao tôi lại dại đâm đầu vào làm gì?” Nhưng bạn biết không? Bán hàng tồn kho là chiến lược tuyệt vời để kinh doanh online không cần vốn.
Hàng tồn kho được định nghĩa là hàng không bán được, còn tồn đọng lại. Thực tế, rất nhiều mặt hàng tồn kho mới 100% và có chất lượng tốt. Tuy nhiên, do khi nhập hàng không có chiến lược, và chưa định hình cách bán hàng hiệu quả nên bị tồn lại.
Ưu điểm lớn nhất của hàng tồn kho là giá rất rẻ. Thậm chí, giá nhập của loại mặt hàng này còn thấp hơn rất nhiều so với giá sản xuất ban đầu. Bởi nhà cung cấp muốn bán đi để thu hồi vốn nên đôi khi sẽ xả lỗ, thanh lý…Đối với Phương, đây chính là cách tìm sản phẩm kinh doanh tối ưu cho dòng tiền.
Case Study: Bán hàng tồn kho thu lợi nhuận cao
Mùa đông năm 2020, khi mã quần nỉ bông đang cực hot trên thị trường vào thời tiết rét đậm rét hại, Phương lại thiếu hàng và không gom đủ số lượng trả khách. Đúng lúc đó, mình thấy 1 bên đang xả lỗ với giá cực rẻ, mới 100% hàng chuẩn QCCC.
Chớp thời cơ, mình đã ôm luôn lô đó rồi bán lẻ với giá mình thường bán cho khách hàng. Do giá bán cao gấp 3 lần giá nhập, không mất chi phí quảng cáo nên mình thu được lợi nhuận rất cao.
Với hàng tồn kho, bạn có thể đàm phán công nợ với nhà cung cấp. Tức là, bạn được phép lấy hàng trước, rồi trả tiền sau. Việc bạn cần làm là thử nghiệm sản phẩm đó bằng cách chạy quảng cáo facebook, hoặc Tiktok, Instagram, Shopee… Sau đó nhập hàng về. Khi đơn giao thành công và thu được tiền, bạn gửi lại tiền hàng cho nhà cung cấp.
Bí mật 4: Nợ hàng với nhà cung cấp
Nợ hàng là gì?
Nghe tới nợ nần đã sợ rồi đúng không?
Nhưng không sao! Nợ tốt và nợ có kiểm soát là một cách để có thêm vốn khi kinh doanh online. Trong đó, nợ hàng với nguồn hàng là phương án mà Phương sử dụng khá nhiều để làm đòn bẩy tài chính.
Thay bằng việc vay vốn ngân hàng, nợ bạn bè/người thân… để nhập hàng, thì bạn nên khéo léo đàm phán với nhà cung cấp. Nhờ đó, bạn sẽ có lợi thế rất lớn để phát triển công việc kinh doanh của mình. Thông thường, các tổng kho sẽ cho bạn nợ khoảng 7 – 30 ngày, đủ để xoay vòng vốn. Việc này tuỳ vào cách làm việc của bạn và niềm tin bạn xây dựng cho họ.
Nghệ thuật đàm phán “nợ hàng” với nhà cung cấp
Khi Phương chia sẻ điều này, đã từng có rất nhiều bạn nghĩ rằng: “Nguồn hàng sẽ không đồng ý đâu”. Đôi khi là do các bạn còn tâm lý ngại, sợ bị từ chối. Cảm giác lo sợ sẽ khiến bạn thất bại. Nếu bạn chịu mở lời trước, mình tin là nguồn hàng sẽ đồng ý.
Trước tiên, bạn cần lấy hàng trên 3 lần, thanh toán đầy đủ đúng hạn. Khi tần suất nhập hàng thường xuyên hơn, bạn hãy mạnh dạn ngỏ lời bằng thái độ chân thành. Nếu đã làm ăn lâu dài, cùng với sự tin tưởng nhau, không có lý do gì mà họ từ chối bạn.
Dịch Covid-19 là thách thức với thị trường, nhưng lại là cơ hội với bạn nếu biết cách tận dụng nó. Thời điểm này các xưởng, tổng kho… đều bị ảnh hưởng bởi dịch, nên họ rất muốn đi được nhiều hàng. Vì vậy, hãy khéo tìm cách mở lời vấn đề công nợ vào thời điểm này nhé.
Bí mật 5: Sử dụng thẻ tín dụng
Thẻ tín dụng giúp bạn quản lý tài chính bằng cách: cho phép bạn mua sản phẩm, dịch vụ… để chi tiêu trước và thanh toán sau. Thời hạn thanh toán của thẻ tín dụng là khoảng 30 – 45 ngày. Đây là khoảng thời gian lý tưởng để bạn xoay vòng vốn và có thêm tiền làm đòn bẩy.
Bạn có thể sử dụng thẻ tín dụng cho các khoản chi tiêu online như sau:
- Nhập hàng qua các sàn TMĐT Việt Nam: Shopee, Lazada, Tiki…
- Chạy quảng cáo qua Facebook, Google, Shopee, Zalo, Youtube…
- Thanh toán khi mua Hossting, Domain, các phần mềm chỉnh sửa ảnh trực tuyến như Canva…
Lưu ý, khi sử dụng thẻ tín dụng, bạn cần xây dựng bản kế hoạch kinh doanh bao gồm đầy đủ các khoản chi phí. Đồng thời, cách thiết lập mục tiêu kinh doanh cũng phải rõ ràng. Mỗi ngày, bạn nên điền báo cáo kết quả kinh doanh để kiểm soát chi phí. Công việc này sẽ giúp bạn tránh được tình trạng tiền đội lên quá cao so với doanh thu.
3.Lời kết
Trước kia, khi nghe những bạn trẻ chia sẻ về câu chuyện kinh doanh online không cần vốn, Phương thường không tin. Nhưng qua quá trình làm và trải nghiệm, học hỏi từ rất nhiều người thành công với hai bàn tay trắng, mình hiểu ra rằng: Không có gì là không thể! Chẳng qua là chúng ta có biết để làm hay không thôi.
Hi vọng rằng bài viết này sẽ giúp các bạn có thêm kiến thức và kinh nghiệm để bắt đầu kinh doanh online.
Đừng quên chia sẻ nếu bạn thấy hữu ích nhé!
Chúc các bạn kinh doanh thành công!