“Mặc cả giá” với nhà cung cấp: 5 bí quyết chỉ dân kinh doanh “sành sỏi” mới biết

“Mặc cả giá” với nhà cung cấp: 5 bí quyết chỉ dân kinh doanh “sành sỏi” mới biết

Khi mới bắt đầu khởi nghiệp, rất nhiều người cảm thấy bối rối trong việc tìm nguồn hàng kinh doanh onlinemặc cả giá với họ. Công việc này không khó, nhưng nếu bạn không có kinh nghiệm thì rất dễ bị “hớ”. Thậm chí, một số người đã ngậm ngùi chia sẻ với Phương về việc họ nhập hàng với giá sỉ mà còn cao hơn giá các bên khác đang bán lẻ.

Trong bài viết này, Phương LTM sẽ hướng dẫn chi tiết cách mặc cả giá với nhà cung cấp từ kinh nghiệm của dân kinh doanh sành sỏi!

cách thương lượng giá với nhà cung cấp
Nếu bạn biết cách mặc cả giá với nhà cung cấp, bán sẽ nhập được hàng với “giá tận gốc”

1. Cách hỏi và mặc cả giá sản phẩm

Ấn tượng ban đầu vô cùng quan trọng. Việc bạn hỏi giá như thế nào sẽ quyết định tới mức giá nhập của bạn. Thông qua cách hỏi giá với nhà cung cấp, họ cũng dễ dàng nắm bắt, “đọc vị” bạn đã kinh doanh lâu hay chưa, có phải dân sành sỏi hay không.

Sau đây là một số tips bạn cần lưu ý:

1.1. Không nên mở đầu bằng những câu hỏi: “Cái này/cái kia bao nhiêu?”

Việc hỏi những câu “Cái này/cái kia bao nhiêu?”, hoặc “Chính sách sỉ bên mình thế nào” sẽ khiến bên nguồn hàng nhận diện bạn là người mới kinh doanh. Từ đó, họ có thể nói giá “thách” hơn so với giá sỉ trung bình họ bán ra thị trường.

Mặc dù là một người mới khởi nghiệp, bạn cũng nên biến mình trở nên “sành sỏi” để dễ lấy được hàng với giá rẻ hơn.

Thay vào đó, bạn cần bắt đầu bằng các câu hỏi mang tính số lượng, có chứa “từ ngữ nghề buôn” hơn.

Ví dụ: Khi biết sản phẩm này thường được bán theo thùng, bạn có thể hỏi: “Mã này x thùng giá sao?”. Hoặc có một số mặt hàng đóng theo lô, thì bạn hỏi “1 lô giá bao nhiêu?”.

Đối với quần áo thời trang thì các xưởng sản xuất, mối buôn… thường đổ sỉ theo số lượng chiếc đối với váy, áo/quần riêng lẻ, hoặc có những mã theo bộ/set đồ. Do đó, bạn có thể hỏi: “Mã này xx bộ giá bao nhiêu?”. Tuỳ từng loại hàng hoá mà bạn nên có cách hỏi về số lượng khác nhau. 

1.2. Hỏi trực diện, tránh hỏi lan man không rõ vấn đề

Khi quan tâm những mã sản phẩm nào, bạn nên hỏi trực diện vào sản phẩm đó. Tránh hỏi lan man không rõ vấn đề. Đối với các xưởng sản xuất, tổng kho bán buôn lớn… trong nước, họ thường cập nhật toàn bộ mẫu mới trên zalo, bao gồm cả ảnh/video. Có bên sẽ ghi kèm giá, có bên thì không công bố giá (do họ sợ các bên khác biết giá sẽ bán dìm giá xuống để cạnh tranh).

Việc của bạn là tham khảo mẫu mã trên kênh bán hàng của nguồn hàng trước. Sau đó, bạn nhắn tin cho họ để hỏi giá một lượt. Không nên nhắn tin lắt nhắt, bởi các nhà cung cấp uy tín thường rất bận rộn. Họ không có nhiều thời gian để trả lời những tin nhắn lan man từ bạn. 

cách mặc cả và thương lượng giá với nhà cung cấp
Bạn nên hỏi trực diện giá sản phẩm mà mình quan tâm, không nên hỏi quá lan man

Còn với trường hợp tới kiot, cửa hàng bán buôn… tại các nơi như chợ Ninh Hiệp, chợ Tân Bình… thì bạn nên hỏi giá luôn ngay khi vào cửa. Tuyệt đối tránh việc vào xem rất lâu rồi hỏi giá rất nhiều mẫu nhưng không mua. Tốt nhất là hãy tham khảo trước mẫu mã, giá cả trên Internet để biết trước mức giá sàn. Sau đó khi đến cửa hàng, bạn dựa vào đó để đàm phán mức giá tốt hơn.

1.3. Xác định khoảng giá sản phẩm trước khi mặc cả giá

Đây là tuyệt chiêu mà Phương học được từ một người là chủ xưởng quần áo tại Ninh Hiệp. Nhờ cách thức này, Phương đã áp dụng cho toàn bộ các mặt hàng mà mình muốn kinh doanh online. Trong đó có cả thời trang, gia dụng, phụ kiện ô tô…

Bạn cần xác định khoảng giá sản phẩm mà bạn có thể chấp nhận và chi trả được. Để làm được điều này, hãy dành thời gian tham khảo giá trước.

Bạn có thể tham khảo giá bằng cách hỏi theo số lượng tăng dần. Cụ thể như sau:

  • Mã này 10 bộ giá bao nhiêu?
  • 50 bộ giá thế nào?
  • Nếu tôi lấy 100 bộ thì sao?
  • 200 bộ cắt được bao nhiêu giá?
  • Vậy 500 bộ cắt thêm được bao nhiêu giá nữa?
  • 1.000 bộ giá rẻ hơn bao nhiêu?
  • 2.000 bộ giá sao?

2. Cách mặc cả giá theo số lượng

Với người mới bắt đầu kinh doanh, việc mặc cả giá sẽ gặp một số khó khăn. Họ thường lúng túng trong việc xác định mức giá mà nguồn hàng đưa ra là đắt hay rẻ? Nên đề xuất mức nào hợp lý? Nếu trả giá quá thấp thì bên người bán sẽ không muốn bán, hoặc tỏ ra khó chịu. Ngược lại, trả giá quá cao thì lại bị “hớ”, biên độ lợi nhuận không cao.

Trong lần đầu ra giá, một số nguồn hàng có xu hướng hét giá cao hơn so với giá trị thật. Việc này thường gặp nhất ở các nhà buôn trong chợ, hoặc trên Internet (đăng mẫu không công bố giá). Còn với một số nhà bán sỉ trên sàn thương mại điện tử Shopee thì mức giá họ đưa ra sẽ không chênh lệch quá nhiều.

Nếu bạn tìm được xưởng sản xuất, tổng kho sỉ… đầu nguồn tại Việt Nam thì bạn dễ lấy hàng được với giá tận gốc. Trong trường hợp lấy qua nhiều trung gian, mức giá sẽ đội hơn rất nhiều so với ban đầu.

Dưới đây là một số thủ thuật, cách mặc cả giá mà dân buôn thường sử dụng.

2.1. Khẳng định mình có khả năng lấy được số lượng hàng lớn

Sau bước hỏi giá, bạn có thể gửi cho nguồn hàng một số thông tin chứng minh bạn có khả năng lấy hàng với số lượng lớn. Việc này giúp gia tăng niềm tin với bên nguồn hàng. Nhờ vậy, bạn dễ dàng mặc cả giá hơn. Một số cách thức mà Phương thường áp dụng như sau:

  • Gửi ảnh chụp toa hàng, hoá đơn mua sỉ, ảnh tin nhắn… mà bạn đã lấy hàng ở bên khác. Kèm theo đó, bạn nói thêm là: “Tôi đã từng lấy hàng ở nhà A, nhà B với số lượng như thế này. Nếu bên bạn cung cấp hàng với chất lượng tốt, hàng về ổn định và liên tục thì chúng ta hợp tác lâu dài”.
  • Gửi hoặc chia sẻ hình ảnh hàng đi, hàng về mỗi ngày của bạn. Cách này áp dụng trong trường hợp bạn đã bán được lượng đơn lớn và ổn định. Đây là phương pháp để bạn chứng minh năng lực bán hàng của bản thân với nhà cung cấp.
  • Nếu bạn có thế mạnh về Marketing Online như chạy quảng cáo Facebook, Instagram, xây dựng kênh Tiktok, Shopee… bạn có thể trao đổi với nguồn hàng. Đây là cách mà Phương thường xuyên áp dụng để khẳng định mình mạnh về bán lẻ.

2.2. Cách mặc cả giá theo từng mức số lượng

Thủ thuật mặc cả giá

Như ở phần 1, Phương đã hướng dẫn bạn cách hỏi giá theo số lượng tăng dần. Theo đó, mục đích của việc này là để so sánh sự chênh lệch giá về số lượng. Đồng thời, bạn cũng có thể dựa vào đó để “mặc cả” và “dìm giá” xuống thêm nữa.

Ví dụ

  • Tôi mới lấy hàng bên bạn nên tôi lấy ít trước để xem chất lượng. Nếu tôi chạy test ổn thì tôi sẽ lấy số lượng lớn. Mã này 10 bộ giá bao nhiêu?
  • 50 bộ giá rẻ hơn được bao nhiêu? (Sau khi họ đưa ra giá, bạn có thể mặc cả thêm: “Giá xx được không?”)
  • Nếu tôi lấy 100 bộ thì sao? Bạn cắt giá thêm cho tôi nữa đi. Bên kia đang để cho tôi giá xy, rẻ hơn bên bạn.
  • 200 bộ cắt được bao nhiêu giá? Lấy tôi giá tốt nhất!
  • Một ngày bên bạn cung cấp được tối đa bao nhiêu hàng? Có đủ 500 bộ không? Và 500 thì cắt thêm được bao nhiêu giá nữa?
  • Mình hợp tác lâu dài thì 1.000 bộ giá rẻ hơn bao nhiêu?
  • Bạn có khả năng cung cấp hàng với số lượng lớn nữa được không? 2.000 bộ giá sao?
trả giá và thương lượng giá với nhà cung cấp theo số lượng hàng
Bạn nên trả giá và thương lượng giá với nhà cung cấp theo số lượng hàng, từ đó đưa ra mức giá tốt nhất

Sử dụng đòn tâm lý khi mặc cả giá

Thay vì đơn thuần hỏi giá của từng mức số lượng, Phương thường thêm một số câu nói khác để đánh “đòn tâm lý”. Có lúc họ sẽ đồng ý với mức giá bạn đưa ra, nhưng cũng có lúc họ sẽ từ chối: “Giá này thấp nhất rồi, không bớt thêm được”. Tuỳ vào tình huống mà bạn nên khéo léo trả lời sao cho vẹn cả đôi đường.

Ngoài ra, bạn có thể áp dụng thủ thuật so sánh với bên khác để “dìm” giá xuống. Thêm nữa, hãy khẳng định mình có thể lấy được số lượng hàng lớn và đều đặn. Còn trong trường hợp họ vẫn nhất quyết không giảm thêm, thì mình cũng không nên cố làm khó họ. Thuận mua, vừa bán là nguyên tắc trong mua bán, trao đổi hàng hoá.

3. Thương lượng chính sách công nợ hàng hoá

Nếu biết cách đàm phán chính sách công nợ, bạn sẽ được “lấy hàng trước – trả tiền sau”. Thời gian trả tiền có thể là sau 7 – 30 ngày kể từ khi bạn nhập hàng. Như vậy, bạn sẽ có thêm vốn để kinh doanh và quay vòng. Đây được coi là “nợ tốt” trong kinh doanh online.

Để được công nợ hàng hoá, bạn cần tạo dựng được niềm tin với họ. Trước tiên, bạn đảm bảo lấy hàng trên 3 lần, thanh toán đầy đủ và đúng hạn. Sau đó, khi tần suất nhập hàng của bạn thường xuyên hơn, giá trị mỗi đơn lớn hơn, đây là lúc bạn đưa ra lời đề nghị. Hãy khéo ngỏ lời với bên nhà cung cấp bằng thái độ chân thành. Để giữ chân khách hàng, họ sẽ đồng ý với yêu cầu của bạn.

4. Đàm phán chính sách hoàn hàng khi không bán được

Khi mới bắt đầu kinh doanh online, do chưa có khả năng tính toán số lượng hàng hoá, nên bản thân Phương nhiều khi rất đau đầu về việc tồn kho. Sau đó, cơ duyên đã đến với mình khi một bên nguồn hàng chào mình chính sách được quay đầu hàng nếu không bán được.

Phương lấy một ví dụ để bạn dễ hiểu hơn nhé!

Bạn lấy 100 sản phẩm, nhưng bạn chỉ bán được 40 sản phẩm. Với chính sách quay đầu hàng, bạn được trả nhà cung cấp 60 sản phẩm còn lại. Họ sẽ gửi lại tiền cho bạn bằng đúng số tiền bạn bỏ ra để nhập 60 sản phẩm đó. Nghe rất hấp dẫn đúng không?

Nhờ chính sách này, bạn chỉ việc tập trung vào bán hàng mà không cần lo lắng quá nhiều về vấn đề tồn kho. Bạn cũng không cần phải tìm mọi cách để xả hàng tồn kho như bán lỗ vốn, giảm giá kịch sàn… nữa. Thay vào đó, nhà cung cấp sẽ lo hết cho bạn. Khi bạn làm việc với các xưởng, tổng kho… có lượng đơn hàng lớn, họ luôn sẵn sàng nhận lại hàng để bán hộ bạn.

5. Tối ưu hoá chi phí vận hành

Đây là hình thức “mượn nguồn lực” từ phía đối tác như một cách thuê họ vận hành hộ. Bạn không phải đầu tư kho bãi, nhân viên đóng hàng, chăm sóc đơn. Nhà cung cấp sẽ làm toàn bộ công việc này cho bạn. Thường họ sẽ lấy chi phí vận hành 1 đơn dao động từ 5.000 – 10.000 VNĐ (tuỳ từng mặt hàng). Nhờ đó, bạn chỉ việc tập trung bán hàng mà không cần bỏ công sức đóng gói hàng hoá, gửi hàng nữa. Hãy dành thời gian của mình cho những công việc quan trọng hơn.

Khi thử nghiệm kinh doanh online sản phẩm mới, Phương thường sử dụng hình thức này. Bởi trong quá trình thử nghiệm, lượng đơn hàng sẽ ít hơn. Phương án này giúp Phương tiết kiệm tối đa nguồn lực về thời gian, tài chính, nhân sự. Đến lúc đơn hàng nhiều lên, Phương mới nhập sỉ số lượng lớn để tự vận hành.

6. Lời kết

Mặc cả giá là một cách thương lượng với nguồn hàng theo phương án “khôn ngoan”. Một đồng mặc cả được chính là một đồng lợi nhuận. Đây là lúc bạn cần sử dụng kỹ năng đàm phán để khiến công việc kinh doanh của mình thuận lợi, thu lời cao hơn.

Phương mong rằng 5 tuyệt chiêu trên sẽ giúp bạn có thêm kinh nghiệm, kiến thức để thành công. Đừng quên chia sẻ bài viết này nếu bạn thấy hữu ích nhé!

Chúc bạn kinh doanh thành công!

5 2 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
2 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
Đỗ Ngọc Anh
Đỗ Ngọc Anh
2 years ago

Bài viết hay quá. Bây giờ mới biết đến blog này, sẽ tiếp tục ủng hộ tác giả